Việc tăng cường khả năng sử dụng protein, axit amin và lipid có nguồn gốc thực vật cho động vật thủy sản là rất khó khăn trong các chương trình cải thiện di truyền. Trong khi ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản đang cố gắng hướng tới sự bền vững thông qua việc giảm lượng bột cá trong thức ăn, thì khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng khi sử dụng các thành phần được thay thế này của tôm cá ngày càng trở nên quan trọng. Đối với cá hồi, nhiều nghiên cứu lai tạo giống mới chống chịu tốt hơn với các thành phần thay thế trong thức ăn đã được tiến hành. Tuy nhiên việc này vẫn chưa được bắt đầu với tôm cá nuôi ở Châu Á.
Ngoại trừ các loài cá ăn cỏ, hầu hết enzyme ở các loài cá khác đều chưa tiêu hóa được carbohydrate. Mà thực chất việc cá có thể sử dụng carbohydrate phần lớn là đến từ quá trình lên men bởi hệ vi sinh vật cư trú trong ruột của chúng. Thay vì chờ đợi các chương trình cải tiến di truyền dài hạn để cá sử dụng tốt hơn các thành phần có nguồn gốc thực vật, thì giải pháp nhanh chóng lúc này là bắt đầu sử dụng enzyme bổ sung vào thức ăn. Các enzyme hỗ trợ tiêu hóa carbohydrate phức tạp bao gồm amylase, glucanase, mannanase và xylanase đã được sử dụng trong thức ăn gia cầm qua nhiều thập kỷ. Và các nghiên cứu với cá, tôm đã chỉ ra rằng những enzyme này cũng hoạt động tốt khi được thêm vào thức ăn thủy sản cho nhiều loài. Các enzyme này làm tăng năng lượng sẵn có trong chế độ ăn của thủy sản bằng cách “mở cửa” thành tế bào, giúp nhiều protein và lipid vào được bên trong tế bào để tôm cá sử dụng nhiều hơn.
Vì thủy sản đa số là động vật biến nhiệt, chúng không thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể của chúng, nên việc giữ nhiệt độ nước trong một phạm vi tối ưu là điều cần thiết để chúng đạt được sự phát triển tối đa. Ở nhiệt độ thấp hơn phạm vi này, thủy sản sẽ ăn ít hơn do quá trình trao đổi chất của chúng suy giảm, nhu cầu về năng lượng xuống thấp dẫn đến chậm tăng trưởng. Ngược lại, khi nhiệt độ quá cao, các quá trình trao đổi chất sẽ hoạt động liên tục, làm hao phí nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng. Nhiệt độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các enzyme, mà các enzyme lại là chất xúc tác cho hầu hết các quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của tôm, cá.
Cũng giống như các enzyme nội sinh, các enzyme cung cấp từ thức ăn cũng phụ thuộc vào nhiệt độ, tuy nhiên lợi thế là những enzyme này có thể được xây dựng để phù hợp với một khoảng nhiệt độ rộng hơn. Khi nhiệt độ xuống thấp, ngoài việc làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, thì hệ thống miễn dịch của tôm cá cũng trở nên suy yếu, tạo điều kiện cho những mầm bệnh cơ hội tấn công gây bệnh. Do đó, một chiến lược thông minh là bổ sung enzyme khi nhiệt độ giảm thấp, mưa bão hay vào mùa lạnh, điều này sẽ tăng cường quá trình tiêu hóa protein và tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cho thủy sản trong thời tiết xấu.
Rất nhiều loài thủy sản nuôi chưa thể xác định chính xác nhu cầu dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số loài nuôi phổ biến như tôm thẻ chân trắng hay cá tra đều đang được nuôi rất thành công với các dữ liệu về dinh dưỡng chưa đầy đủ. Bột cá là một thành phần rất quan trọng trong thức ăn cho thủy sản, nhưng với việc giảm lượng bột cá và tăng cường sử dụng các loại protein thực vật thay thế, có thể sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, sự hiện diện của axit phytic trong một số thành phần có nguồn gốc thực vật sẽ có tác động lớn đến khả năng hấp thu Phốt pho (P) và Kẽm (Zn) của tôm, cá. Do đó, việc bổ sung enzyme là cần thiết để tôm cá, hấp thu năng lượng được nhiều hơn.
Duy trì tốt sức khỏe của vật nuôi là điều mà người nông dân nào cũng mong muốn. Do vậy việc tối ưu hóa mật độ nuôi để sử dụng tối đa diện tích ao, hạn chế làm tôm cá bị căng thẳng có lẽ là yếu tố quan trọng nhất, đồng thời cũng góp phần tránh thiệt hại khi khả năng miễn dịch của vật nuôi bị suy yếu, làm tăng nguy cơ mầm bệnh tấn công.
Tổng lượng thức ăn và chi phí tích lũy khi thu hoạch là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định lợi nhuận của người nuôi thủy sản. Bởi vì đối với hầu hết người nuôi, thức ăn là khoản đầu tư lớn nhất trong một vụ nuôi, thường là 50-60% hoặc có thể hơn nửa. Giữ ở mức ổn định hệ số chuyển đổi thức ăn FCR là chìa khóa thành công của vụ nuôi và điều này phải phụ thuộc vào việc cho vật nuôi ăn khi chúng đói nhất chứ không phải cho ăn càng nhiều càng tốt cả lúc no. Việc quản lý thức ăn không tốt sẽ dẫn đến hiệu suất tăng trưởng kém, tăng chi phí vụ nuôi, và cũng làm giảm chất lượng nước do tăng lượng nitơ và phốt pho trong ao.
Hàm lượng protein, chất béo và vitamin trong thức ăn phải được tối ưu hóa để phù hợp với loài, phù hợp với hệ thống nuôi và độ nhạy cảm của các loài nuôi trước những yếu tố gây căng thẳng xung quanh. Đồng thời, việc kết hợp các thành phần có hàm lượng phytate cao từ các loại đậu và ngũ cốc có tác động lớn đến sự hấp thu dinh dưỡng của tôm cá. Do làm giảm lượng protein và các chất khoáng vi lượng như kẽm, mangan, sắt và đồng. Nếu bổ sung phytase vi sinh vào thức ăn thì có thể cải thiện sự hấp thu các khoáng vi lượng này.
Thức ăn thừa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước. Carbon, nitơ và phốt pho thải ra sẽ làm tăng lượng tiêu thụ oxy trong nước, dẫn đến nguy cơ tạo ra nhiều khu vực yếm khí cho vi khuẩn phát triển. P dư thừa trong nước sẽ dẫn đến hai hậu quả tiêu cực:
Tăng sự phát triển của tảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nồng độ oxy trong ao, nhất là vào sáng sớm. Tăng chi phí vận hành thêm quạt nước và hệ thống sục khí.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lam phát triển, làm thịt tôm cá có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi xuất bán.
Lược dịch từ Thefishsite
Động vật thủy sản thải trực tiếp NH3 vào trong nước.