Sử dụng thuốc thủy sản an toàn như thế nào?

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, các mô hình nuôi thủy sản ngày càng được “thâm canh hóa”. Khi đó, các loại thuốc thủy sản hầu như được sử dụng trong suốt cả vụ nuôi từ khâu cải tạo đến khi thu hoạch. Nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng sao cho đúng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi, vật nuôi và cả sức khỏe con người.
Dùng thuốc an toàn trong thủy sản

1. Thuốc thủy sản là gì?

Thuốc thủy sản là danh từ gọi chung bao gồm tất cả các sản phẩm như hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học... bổ sung vào nước hay vào thức ăn giúp ổn định môi trường, hạn chế mầm bệnh và cải thiện sức khỏe vật nuôi.

Các loại trên ngày càng được sử dụng phổ biến, bên cạnh những lợi ích tốt mà chúng mang lại, rất nhiều bộ phận người nuôi đã lạm dụng, không tuân thủ các quy định về việc sử dụng nên chúng đã có tác dụng ngược, tác động đến môi trường, hệ sinh thái của khu vực hoặc để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản; ít nhiều sẽ gây tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là đối với các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

2. Ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc thủy sản

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong phòng và trị bệnh sẽ làm cho vi khuẩn kháng kháng sinh. Khi vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh, đa số sẽ bị tiêu diệt hoặc ít nhất cũng bị ức chế, tuy nhiên một số vi khuẩn sau thời gian dài tiếp xúc sẽ có hiện tượng tiến hóa tự nhiên. Chúng sẽ tự biến đổi để sống sót dưới tác động của kháng sinh. Đặc tính này sẽ truyền cho thế hệ sau của chúng một cách nhanh chóng, làm kháng sinh không còn tác dụng với vi khuẩn nửa.

Gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới môi trường nuôi, các yếu tố khác đang ổn định trong khu vực nuôi. Ví dụ với 5mg/lít formalin sẽ loại bỏ 1mg/lít của oxy hoà tan trong ao; hiệu quả của BKC, thuốc tím giảm khi môi trường có nồng độ hữu cơ cao. Một số hóa chất diệt khuẩn khi sử dụng sẽ diệt cả vi khuẩn có hại lẫn vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, tác động đến cấu trúc và tính đa dạng sinh học.

Ảnh hưởng đến sức khỏe con người do tồn lưu dư lượng hóa chất, kháng sinh trong cơ thịt thủy sản nếu con người tiêu thụ và tích lũy. Ví dụ phản ứng dị ứng phổ biến với thuốc nhóm kháng sinh penicillin là phát ban da và sưng mặt, sốc phản vệ hoặc thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, với việc không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang… cũng làm sức khỏe người tiếp xúc trực tiếp suy giảm.


Làm chất lượng sản phẩm thủy sản giảm đáng kể. Việc lạm dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cảnh báo tồn dư hóa chất và bị trả về, nặng hơn có thể cấm xuất khẩu, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản khiến họ thua lỗ, phá sản và mất công ăn việc làm.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc thủy sản an toàn

Chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất trong danh mục cho phép lưu hành tại Việt Nam, tuyệt đối không sử dụng các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Thuốc, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản thường có 3 dạng chính: dạng viên, dạng bột và dạng nước. Hàm lượng và khả năng hòa tan của mỗi dạng này cũng khác nhau. Nên chọn những loại hóa chất phù hợp với điều kiện nuôi, nguồn gốc rõ ràng, ở những cơ sở đáng tin cậy, thành phần được ghi đúng và đầy đủ trên nhãn dán, trước khi sử dụng cần tìm hiểu rõ đặc tính và phải dùng theo hướng dẫn sử dụng.


Hóa chất kém chất lượng do bảo quản không đúng cách để mốc, nấm sinh ra hoặc hết hạn cũng không được sử dụng. Phải bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và đậy nắp sau khi sử dụng để những đặc tính lý hóa riêng của chúng không bị biến đổi.

Khi sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý môi trường cần biết rõ điều kiện trong ao để chọn cho phù hợp. Một số thuốc sát trùng không phát huy được hiệu quả trong môi trường có nhiều cặn bã hữu cơ, môi trường nước cứng hay môi trường kiềm. Một số hoá chất còn tạo phản ứng kết hợp với chất hữu cơ trong nước hình thành phức chất gây độc cho thủy sản nuôi. Do đó, trước khi sử dụng hóa chất phải kiểm tra các yếu tố thủy lý hóa để lựa chọn và điều chỉnh phù hợp.

Các loại thuốc hóa chất được chọn phải là những loại không ảnh hưởng tới vật nuôi cũng như hệ sinh thái tự nhiên trong ao. Sau khi dùng hóa chất cải tạo môi trường cần cấp thêm nước mới hay thay nước, bổ sung vào ao một số chế phẩm sinh học cung cấp nguồn lợi khuẩn.

Cùng một loại thuốc nhưng loài này với loài kia, sự nhạy cảm là khác nhau. Tùy từng giai đoạn mà liều lượng sử dụng cũng khác nhau, liều đối với con non tất nhiên sẽ thấp hơn so với con trưởng thành. Bởi lúc còn bé, thủy sản có khối lượng nhỏ hơn khi trưởng thành, khi đó các cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh nên quá trình trao đổi chất và sự chuyển hóa cũng còn hạn chế.

Vì động vật thủy sản sống trong môi trường nước nên việc tiếp nhận được hàm lượng lớn thuốc, hóa chất để phòng và chữa bệnh cũng còn thấp. Bên cạnh đó, liều lượng sử dụng cũng tùy thuộc và sức khỏe tôm cá, chúng khỏe thì sẽ dễ dàng hấp thu hơn là khi stress, yếu.

Trong quá trình sử dụng phải ghi chép và lưu thông tin về quá trình sử dụng thuốc, hóa chất. Việc ghi chép đầy đủ các thông tin sẽ giúp cơ sở nuôi có được kinh nghiệm trong các đợt nuôi tiếp theo. Đồng thời giúp ích cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nếu sử dụng phải sản phẩm giả, kém chất lượng.


4. Phương pháp “5 đúng” để sử dụng thuốc hóa chất trong thủy sản

Một là đúng bệnh: chẩn đoán đúng dấu hiệu bệnh lý, những thay đổi trên cơ thể vật nuôi, bất thường xảy ra đối với khu vực nuôi. Phải xác định được vật nuôi bị bệnh gì? Tác nhân gây bệnh? Có bị bệnh ghép hay không? Ưu tiên chữa bệnh nào trước? Có như vậy việc sử dụng thuốc hóa chất mới có hiệu quả.

Hai là đúng thuốc: khi đã xác định được vật nuôi mắc bệnh gì và tác nhân gây bệnh hoặc cần xử lý vấn đề gì trong môi trường nước nuôi thì phải dựa vào đó chọn đúng thuốc cần sử dụng, đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất. Cần lưu ý thời gian ngưng thuốc cũng như tác dụng phụ và có sử dụng chung được với loại thuốc nào để gia tăng hiệu quả không? Đặc biệt lưu ý, các hóa chất diệt khuẩn tuyệt đối không sử dụng chung với những chế phẩm sinh học mang bản chất là những vi sinh vật sống có lợi.

Ba là đúng liều: chọn được loại thuốc, hóa chất phù hợp, sau đó phải biết được mức độ bệnh của vật nuôi hay mức độ ô nhiễm của nước nuôi để sử dụng cho đúng liều. Liều dùng phải tính trên tổng số lượng vật nuôi và theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Lưu ý thời gian ngưng thuốc trước khi thu hoạch để hạn chế việc tồn dư trong sản phẩm.

Bốn là đúng lúc: tùy từng loại thuốc, hóa chất mà có thời điểm sử dụng khác nhau, phải tuân thủ để đạt được hiệu quả cao nhất. Đa số thuốc hóa chất trong nuôi thâm canh tôm, cá nên được bổ sung vào buổi sáng, trời mát, lượng oxy hòa tan cao, tốt nhất là 7-8 giờ, đó là thời điểm mà tôm, cá ít bị sốc nhất.

Năm là đúng cách: là cách thức đưa thuốc đến vị trí cần điều trị, thuốc phải đánh trúng nơi khởi phát bệnh (phải đánh ngay tận gốc). Mỗi loài thủy sản cũng như mỗi loại bệnh có những phương pháp và cách thức chữa trị khác nhau. Nếu không lựa chọn đúng sẽ lãng phí thuốc và bệnh cũng không khỏi được. Bốn phương pháp sử dụng thuốc hóa chất cho thủy sản hiện nay là tắm, ngâm, tiêm và nhiều nhất là trộn vào thức ăn cho ăn.

Ngày 21 - 11 - 2019
Phòng kỹ thuật An Bình
Bạn có biết?

Sử dụng các acid amin tổng hợp để cân đối nhu cầu acid amin trên tôm sú không hiệu quả bằng phối hợp các nguyên liệu

bởi GS TS. Lê Thanh Hùng
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102