Nuôi tép cảnh có khó không?

Cùng với cá cảnh thì nuôi tép cảnh cũng là thú chơi tao nhã được không ít người tìm tới trong thời gian gần đây. Tép cảnh thì nhạy cảm hơn so với cá cảnh nên việc chăm sóc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó mà cũng có khá nhiều người yêu thích nhưng vẫn chưa dám thử thách. Thật ra chỉ cần có đam mê thật sự cùng với việc pha thêm chút sáng tạo, chút tỉ mỉ và chú ý một vài khuyến cáo nhỏ thì việc nuôi tép cảnh này cũng không thật sự là quá khó khăn.
tép cảnh

Tép cảnh có nhiều màu sắc, cuốn hút và nổi bật, chuyển động rất vui mắt, nhờ vậy mà rất nhiều người muốn sở hữu cho mình một bể nuôi. Theo đánh giá thì thú chơi tép cảnh cũng chiếm vị trí cao trong số những thú chơi công phu. Do đó việc hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường sống và đặc tính của từng thiết bị trong bể sẽ giúp việc chăm sóc đàn thú cưng một cách dễ dàng hơn. Bài viết này là một vài chia sẻ cho những ai muốn bắt đầu thử sức với loại thú vui độc đáo này.

Chuẩn bị bể và các thiết bị

Kích thước thường được nhiều người chọn nhất là 20 lít hay 40 lít nước. Kính bể phải dày từ 5-8 li để an toàn. Vì tép lên màu đẹp và phát triển tốt là nhờ ánh sáng nên việc lắp đèn để làm nổi bật lên đàn tép trong bể là điều rất quan trọng, ánh sáng của đèn sẽ giúp cho người nuôi dễ dàng quan sát bể hơn và duy trì cho tép giữ được màu trắng sáng. Cũng như cá cảnh, tép cũng cần một hệ thống lọc tuần hoàn. Tốt nhất là dùng lọc đáy, để có thể lọc sạch thức ăn thừa, chất bẩn trên sỏi và chất nền đáy bể. Theo những người nuôi lâu năm, sử dụng kết hợp lọc thác và lọc đáy sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Nếu có điều kiện nên sử dụng đài phun nước vì tép cảnh thích sống trong môi trường nước chảy nhưng tốc độ dòng chảy không cần quá mạnh. Lựa chọn những vật liệu như sỏi, gỗ sao cho hợp lý, vừa thích hợp làm chỗ trú ẩn cho tép vừa có tác dụng trang trí. Chất nền cho tép cũng rất quan trọng, chất nền phù hợp sẽ cân bằng tính acid của nước và cung cấp một vài khoáng chất cần thiết cho tép.

Các chỉ tiêu chất lượng nước trong bể

Tép cảnh nhạy cảm hơn rất nhiều so với cá cảnh khi các yếu tố chất lượng nước thay đổi. pH là yếu tố thường xuyên ảnh hưởng tới tép cảnh, điều kiện tốt nhất để tép phát triển là pH từ 6.2-6.8, nếu pH cao hơn 7.5 sẽ gây nguy hiểm cho chúng. Độ pH của nước cũng có thể kích thích tép đẻ trứng. Khi bị sốc do môi trường nước và mầm bệnh, chúng sẽ bơi lội rất yếu, lờ đờ. Nếu không xử lý kịp sẽ dẫn đến việc đàn tép bị chết hàng loạt. Màu sắc của tép cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự ổn định của chất lượng nước, nếu tép nhạt màu thì chứng tỏ môi trường nuôi đang bị ô nhiễm, phải làm sạch chất nền trong bể và các vật liệu trang trí, thay ⅓ lượng nước bể mỗi tuần. Tép cảnh cũng là loài rất dễ bị ngộ độc nitrit (NO2) và chúng cần nước sạch để duy trì sức khỏe tốt cũng như hỗ trợ lột xác.

các loại tép cảnh thường nuôi

Cũng như những loài giáp xác khác, tép cảnh đều nhờ vào lột xác để lớn lên và phát triển, sau khi lột xác thì độ kiềm và độ cứng của nước sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành vỏ mới cho tép. Vì vậy cần phải giữ sự ổn định hai yếu tố này trong bể, bổ sung thêm một số khoáng chất cần thiết để tép lên màu đẹp hơn và hỗ trợ việc cứng vỏ mới. Nhiệt độ cho tép phát triển tốt nhất là 22-24oC, do tép cảnh là loài cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi dù ít hay nhiều của nhiệt độ. Nhiệt độ thấp thì lượng oxy hòa tan trong bể sẽ cao hơn, tép lại là loài chịu lạnh cực giỏi, do đó tép nuôi ở nhiệt độ thấp sẽ phát triển tốt hơn là đối với nhiệt độ cao. Nếu trong thời kỳ đẻ trứng thì nhiệt độ phù hợp cho việc ấp trứng là 25oC và điều chỉnh sao cho nhiệt độ không quá 28oC.

Chăm sóc quản lý

Chọn mua tép phải quan sát kĩ bộ giáp của chúng có màu đều đặn, cách bơi và cách bắt mồi nhanh nhẹn, mua ở những cơ sở uy tín. Rất khó để phân biệt tép đực và tép cái khi còn non. Nhưng đến tuổi trưởng thành, con cái thường lớn hơn và có phần dưới cong hơn so với con đực. Tỉ lệ đực cái trong bể phải tính toán sao cho hợp lý. Giới nuôi tép chuyên nghiệp chia giống tép thành 2 loại là tép màu dễ nuôi và tép ong khó chăm sóc hơn một xíu. Túi nilon đựng tép mới mua về phải ngâm trong bể khoảng 15-20 phút, sau đó mở miệng túi cho tép tự chui ra ngoài, tắt đèn cho tép nghỉ ngơi trong 4 tiếng, sau đó cho ăn lần đầu. Tiếp theo, 3 tiếng sau vớt tất cả thức ăn thừa ra ngoài tránh làm ô nhiễm bể.

Tép cảnh là loài không kén chọn thức ăn, do đó thức ăn tự nhiên (giun đỏ, artemia, rong rêu, cây cỏ…) hay thức ăn công nghiệp đều có thể sử dụng cho tép. Hơn nửa sức ăn của tép cũng khá lớn đủ để duy trì một mức năng lượng cần thiết cho các hoạt động sống của chúng. Khác với cá cảnh, nuôi tép chỉ cho ăn 1-2 lần/ tuần. Tập tính của tép là tìm kiếm thức ăn trong chất nền đáy, vì vậy nên sử dụng chất nên chuyên dụng tốt. Ngoài thức ăn, tép cũng cần được bổ sung một số chất dinh dưỡng khác cần thiết cho cơ thể chúng như vitamin C, khoáng chất nhất là canxi hay những chất khác hỗ trợ sự phát triển của cơ thể tép.


Một số chú ý nhỏ trong quá trình nuôi

Có thể bổ sung hệ thống lọc sinh học bằng cách vi khuẩn có lợi làm sạch môi trường bể (Nitrobacter, Nitrosomonas…). Sử dụng các hệ thống lọc khác nên bịt kín các đầu hút để không hút tép vào trong nhằm bảo toàn quân số trong bể.

Không cho tép ăn những loại thức ăn có hàm lượng đồng cao vì một thời gian ngắn sau tép sẽ chết vì ngộ độc. Nên cho tép ăn thêm cà rốt luộc, tép thích và cũng giúp lên màu đẹp hơn

Nếu chăm sóc và quản lý tốt, tép sẽ bắt đầu sinh sản. Thời gian tép ôm trứng ở bụng khoảng 30 ngày trước khi đẻ. Con cái thường tụ trứng ở đầu rồi chuyển xuống dưới bụng. Chu trình này diễn ra từ 7 – 10 ngày. Trứng sẽ nở trong vòng 3 – 4 tuần. Nước càng ấm thì trứng nở càng nhanh.

Đặc biệt là không nên sử dụng quá nhiều hóa chất trong bể nuôi vì tép rất nhạy cảm, không làm tép chết ngay thì cũng dẫn tới còi cọc, chậm lớn.

Không nên bỏ các vỏ lột của tép. Rất nhiều tép mới lột sẽ ăn vỏ này để tự cung cấp khoáng chất. Cũng không nuôi tép chung với các loại cá to để hạn chế thất thoát.

Ngày 17 - 02 - 2020
Phòng kỹ thuật An Bình
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102