Các loại thuốc diệt khuẩn phổ biến trong thủy sản

Hiệu quả của quá trình nuôi tôm cá sẽ phụ thuộc rất lớn vào môi trường nuôi. Khi nước nuôi nhiễm khuẩn cao, chất hữu cơ nhiều, tôm cá stress, mầm bệnh rất dễ dàng xâm nhập gây bệnh. Do đó, để cải thiện môi trường, diệt khuẩn là công việc không thể thiếu trước và trong các vụ nuôi. Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu một số chất diệt khuẩn phổ biến đang được sử dụng hiện nay.
diệt khuẩn

1. BKC 

BKC (Benzalkonium chloride) là một muối amoni hữu cơ đã được đưa vào sử dụng từ rất lâu trong thủy sản, rất dễ dàng đi vào và phá hủy màng tế bào, ngưng trệ các quá trình trao đổi chất của vi khuẩn. Bên cạnh đó còn có khả năng tiêu diệt các loại vi sinh vật đơn bào, virus, nấm mốc và khống chế sự phát triển của tảo.

Hoạt tính của BKC sẽ tăng khi nhiệt độ tăng cũng như thời gian tiếp xúc của BKC với sinh vật dài. Về cơ bản mức độ diệt khuẩn của BKC sẽ không bị ảnh hưởng khi pH tăng. Nhưng khi độ đục và độ cứng của nước cao sẽ làm giảm tác dụng của BKC. Nếu dùng chung với các chất hữu cơ như xà phòng, chất tẩy rửa bề mặt, hoạt tính của BKC sẽ giảm hoặc không có tác dụng.

BKC có tính ổn định và an toàn cao, có tác dụng thẩm thấu tốt, tăng cường tính diệt khuẩn, tiêu độc, mang lại hiệu quả nhanh chóng. BKC được dùng rộng rãi trong việc khử trùng ao, bể và dụng cụ từ các trại sản xuất giống đến ao nuôi thương phẩm. Chưa có bằng chứng về việc BKC làm ảnh hưởng đến tôm cá hay tích lũy sinh học và tồn lưu trong môi trường. BKC 80 với hiệu quả kiểm soát vi khuẩn cao có thể dùng diệt khuẩn với nhiều mục đích khác nhau.


2. Yucca

Cây Yucca schidigera là một loài thực vật bản địa của sa mạc, chịu nóng tốt. Saponine là hoạt chất chính trong chiết xuất từ Yucca với bản chất là một chất tẩy mang tính thiên nhiên, có tác dụng kết hợp với khí độc ammonia (NH3) làm giảm ammonia tự do trong ao. Saponine còn có khả năng diệt ký sinh trùng trong ống tiêu hóa vật nuôi bằng cách phá hủy màng tế bào của chúng, hoạt chất này cũng ức chế được một số vi khuẩn Gram dương. Ngoài ra các hợp chất stilben trong vỏ cây Yucca cũng liên quan đến khả năng hấp thụ ammonia.

Trên thị trường hiện nay, yucca dạng lỏng nhưng hơi đặc sánh là tốt nhất. Yucca có mùi rất đặc trưng, hàm lượng càng cao thì mùi càng mạnh. Sử dụng Yucca digera dạng dung dịch sánh có màu nâu sẽ làm phân hủy nhanh lượng khí độc trong ao, giảm mùi hôi do tảo tàn hay lớp bùn đáy ao dày. Bên cạnh đó cũng cấp cứu hiện tượng tôm nổi đầu, giảm sốc vào buổi trưa.


3. Iodine

Dạng Iodine được sử dụng phổ biến là PVP-Iodine là một hợp chất thuộc nhóm halogen, có tính oxy hóa mạnh, có khả năng diệt tốt vi khuẩn, virus, nấm và cả nguyên sinh động vật. PVP-Iodine còn có ưu điểm là hòa tan hoàn toàn trong nước. Do đó, hợp chất này được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản với hiệu quả cao, lâu dài, an toàn cho người sử dụng và cả tôm cá, cũng ít khi gây biến động đến môi trường nuôi.

Khi được đưa vào môi trường, Iodine tự do được phóng thích dần dần khỏi hợp chất PVP-Iodine, các iodine này sẽ thẩm thấu qua vách và màng tế bào vi sinh vật, sau đó sẽ phá hủy và tiêu diệt chúng. Việc phóng thích từ từ của Iodine làm cho tính sát trùng cao hơn. Vì không ảnh hưởng đến mô bào của cá tôm, nên sản phẩm Iodine violet với thành phần là PVP-Iodine có tác dụng trực tiếp trên vật thể sống để khử và sát trùng bề mặt ngoài cơ thể tôm cùng với trứng của chúng. Khử trùng nước nuôi cũng như dụng cụ một cách triệt để.


Trong quá trình sử dụng, Iodine violet sẽ không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo cũng như hạn chế vấn đề ô nhiễm và tích tụ dưới đáy ao. Tuy cần lưu ý, hiệu quả khử trùng của Iodine violet sẽ đạt tối đa khi pH nước trong khoảng từ 3-6, môi trường có nhiều chất khử cũng làm giảm khả năng khử trùng. Khi nhiệt độ trên 35oC, hoạt chất sẽ bị mất tác dụng nhanh chóng vì vậy nên sử dụng Iodine violet vào lúc xế chiều khi trời mát.

4. Glutaraldehyde

Glutaraldehyde (C5H8O2) là chất hữu cơ không màu, có mùi cay nồng. Đây là một chất diệt khuẩn phổ rộng với khả năng giết chết tế bào rất nhanh. Khi tiếp xúc với vi sinh vật, nhóm carboxyl (C=O) sẽ tương tác với các thành phần của tế bào, làm ngưng trệ các quá trình tổng hợp và làm bất hoạt chúng. Dung dịch glutaraldehyde có thể khống chế sự phát triển của cả vi khuẩn gram âm và gram dương, tảo, nấm và rất nhạy với virus trong nước. 

Hoạt chất này được xem là thân thiện với môi trường. Do nó có khả năng tự hủy sinh học nhanh tới 95% (đặc biệt là trong môi trường nước ngọt <5mg/l) nên không gây ra tích lũy sinh học trong cơ thể thủy sản. Hơn nữa nó cũng ít gây tình trạng hấp thu vào bùn đáy làm tích lũy đáy ao gây độc cho tôm cá. Tuy nhiên khi sử dụng với nồng độ cao, nó vẫn có thể gây độc với cá, giáp xác, tảo nuôi trong ao (nhất là ấu trùng). Do khả năng hòa tan trong nước ngọt tốt nên ít độc hơn khi sử dụng với cá nước ngọt.


Hoạt tính của glutaraldehyde đạt kết quả tốt khi ở pH 8, pH>9 thì khả năng xử lý của nó không hiệu quả. Cũng là chất sát trùng nên khi nồng độ lớn hơn 40% cũng có thể gây ảnh hưởng đến người tiếp xúc. Vì vậy khi dùng phải có phương tiện bảo hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với nó. Để xử lý dư lượng của glutaraldehyde trong nước trước khi thải ra ngoài nên sử dụng NaHSO3. Với hoạt chất là glutaraldehyde, sản phẩm Gluta S được sử dụng rộng rãi trong các mô hình nuôi cá nước ngọt, diệt khuẩn khử trùng trước và trong khi thả nuôi. Hơn nửa Gluta S cũng cải thiện chất lượng nước, giảm bớt rong tảo trong ao nuôi và làm sạch khuẩn bể ương, dụng cụ nuôi.

5. Chloride

Chloride (Cl2, NaOCl, Ca(OCl)2) là một hợp chất vô cơ oxy hóa mạnh, màu trắng, dễ tan trong nước, khi tan sẽ giải phóng khí Clo nên có mùi hắc đặc trưng. Khi tiếp xúc với vi sinh vật chloride sẽ tác động vào hệ enzyme xúc tác các quá trình trao đổi chất của vi khuẩn, làm vi khuẩn không thể hoạt động và chết. Trong thủy sản, Chloride thường được sử dụng để xử lý nước cấp, tẩy trùng ao, trang thiết bị, dụng cụ nuôi. Ngoài ra cũng diệt được vi khuẩn, tảo, các phiêu sinh động vật và ký sinh trùng, oxy hóa, dọn sạch các vật chất hữu cơ trong ao và các mầm bệnh ngoại lai xâm nhập.


Chloride chỉ nên dùng để xử lý khi không có vật nuôi trong ao vì tính ăn mòn cao, gây hại khi tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, nhất là ấu trùng. Lượng dư chloride sẽ oxy hóa và làm thương tổn tế bào mang cá, làm quá trình hô hấp của cá bị ngưng trệ, gây mất màu nước vì diệt tảo có lợi trong ao. Với dư lượng rất nhỏ cũng có thể gây độc cho người tiếp xúc. Được khuyến cáo là có thể sinh ra sản phẩm phụ có khả năng gây ung thư cho người. 

Phổ diệt khuẩn của chloride rất rộng, do đó, các vi khuẩn có lợi trong ao cũng sẽ bị tiêu diệt, gây mất màu nước; bị giảm tác dụng khi sử dụng sau khi bón vôi. Dư lượng chloride có thể được trung hòa bằng Thiosulfat sodium (Na2S2O3.5H2O) với liều 7mg/1mg Chloride.

6. TCCA 

Đây là một hóa chất diệt khuẩn hữu cơ với tác dụng lâu dài, hiệu quả rất mạnh có khả năng tẩy trùng toàn bộ vi khuẩn, nguyên sinh động vật và các loại tảo độc trong ao. Ngoài ra có thể phân hủy chất thải của cá tôm và thức ăn thừa, làm tăng oxy hòa tan trong thủy vực, phân hủy nhanh chóng các mùi hôi thối do chất hữu cơ, kiểm soát và phòng trị dịch bệnh. Thành phần trong cấu trúc của TCCA cũng chứa clo, nên tác động của TCCA cũng giống như Chloride đối với vi khuẩn là làm vô hiệu hóa enzyme xúc tác quá trình trao đổi chất của vi sinh vật. 

Hiêu lực tác dụng của TCCA đến 24h. Tuy nhiên khi pH quá cao, hoạt tính của TCCA sẽ giảm vì vậy nên dùng vào chiều tối khi pH thấp<7. Tuyệt đối không để gần hay sử dụng TCCA chung với các sản phẩm có tính kiềm, acid. Dùng Thiosulfat sodium để trung hòa dư lượng trước khi thả nuôi. Phải có bảo hộ lao động để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người do khí Clo.

7. Thuốc tím

 Thuốc tím KMnO4 (permanganat Kali) là hóa chất không mùi, tan vô hạn trong nước, có màu tím ánh kim đặc trưng. Là chất oxy hóa mạnh, có thể oxy hóa cả chất hữu cơ lẫn vô cơ. Thuốc tím có thể diệt khuẩn, nấm, tảo với nồng độ khá thấp. Với nồng độ 2ml, thuốc tím có thể diệt được 99% vi khuẩn gram âm và phần lớn vi khuẩn gram dương. Cơ chế tác động của thuốc tím là ion permanganat sẽ oxy hóa các tế bào để tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời phá hủy màng tế bào và ức chế hoạt động của các enzyme trong cơ thể vi khuẩn.


Thuốc tím cũng có khả năng làm giảm lượng chất hữu cơ trong ao nhưng không nhiều do đó cũng phần nào giảm lượng tiêu thụ oxy trong nước do các quá trình phân hủy sinh học. Ngoài ra thuốc tím cũng được dùng để loại bỏ một số chất vô cơ trong nước như H2S, sắt và một số mùi hôi có nguồn gốc hữu cơ trong ao. Một số bệnh trên cá cũng thường chữa trị bằng thuốc tím nhất là đối với ngoại ký sinh trùng bám.

Chỉ nên sử dụng thuốc tím ở đầu vụ và cuối vụ nuôi tôm. Do trong quá nuôi phản ứng của thuốc tím với nước sẽ tạo ra MnO2 gây độc với tôm và làm mất tảo trong ao nuôi, khó gây lại được. Trong ao chất hữu cơ quá nhiều cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc tím, do nó sẽ phản ứng với chất hữu cơ và trở nên trung tính, không đủ độc lực để tiêu diệt mầm bệnh. Thuốc tím không bền với nhiệt độ cao nên phải sử dụng khi trời mát để bảo vệ hoạt lực của nó.

8. Formol

Formol là một chất hữu cơ màu trắng, dạng lỏng, mùi hăng rất nặng, đã được sử dụng từ rất lâu trong việc khử trùng và sát khuẩn ao nuôi. Ngoài ra formol cũng được dùng như một loại “thần dược kiểm soát bách bệnh” để phòng và trị bệnh trong nhiều trường hợp như diệt tảo, khử trùng thiết bị, bể ương trại giống; xử lý nước, diệt khuẩn khi thả tôm, dập dịch bệnh đốm trắng, trị các bệnh do ngoại ký sinh trùng trên tôm cá nuôi, test sốc tôm giống trước khi xuất trại, dùng nhiều nhất trong các trại giống.


Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và tính chất sử dụng cũng như dư lượng kiểm soát cần tuân thủ theo quy định mà người nuôi có thể cân đối liều lượng cho phù hợp. Formol có mùi rất hăng, khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, còn có độc tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc trực tiếp với nồng độ cao. Có thể gây dị ứng, làm khô biểu bì da, nghiêm trọng hơn là xâm nhập qua da gây tổn thương các tế bào máu. Nếu sử dụng trong ao đang nuôi thì giai đoạn này không nên cho tôm cá ăn và thay nước sau 24h. Formol cũng làm tiêu tốn một lượng oxy hòa tan đáng kể trong ao, vì thế cần kết hợp quạt nước khi xử lý. Không dùng chung với các hóa chất sát trùng khác cũng như với tôm cá đang bệnh hay yếu.

Ngày 03 - 12 - 2019
Phòng kỹ thuật An Bình
Bạn có biết?

Các loài giáp xác hạn chế sinh tổng hợp các acid béo HUFA, do đó bổ sung dầu cá trong thức ăn là cần thiết.

bởi Khuyết danh
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102