Các bước cần làm khi tôm bị bệnh phân trắng

Khi thời tiết thay đổi thất thường, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh thì phân trắng rất dễ xuất hiện trong các ao nuôi tôm thương phẩm. Do đó, phải nắm vững các phương pháp phòng và trị bệnh cũng như các bước cần tiến hành khi bắt đầu thấy có phân trắng trong vó (nhá).
tôm thẻ chân trắng bệnh phân trắng

Bài viết này sẽ tổng hợp một số kiến thức tuy quen mà lạ về bệnh phân trắng và những lưu ý trong phòng trị bệnh xảy ra “như cơm bữa” này.

Đầu tiên cùng nhìn lại sơ lược bệnh phân trắng về nguyên nhân, giai đoạn nhiễm bệnh và tập hợp các triệu chứng ở từng mức độ. Như đã nói ở trên, đây là bệnh có thể diễn ra trong rất nhiều điều kiện, do có nhiều nguyên nhân. Tôm thẻ chân trắng thường bệnh ở giai đoạn từ 1 đến 1.5 tháng nuôi. Tôm sú trễ hơn, từ 2 đến 2.5 mới bắt đầu nhiễm. Các nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh phân trắng bao gồm tảo độc, thức ăn bị nấm mốc, ký sinh trùng và một số tác nhân khác.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu chủ yếu có hai loại nguyên nhân chính gây ra bệnh phân trắng. Thứ nhất là ký sinh trùng gregarine, một loại ký sinh trùng cấu tạo từ 2 tế bào và một bộ phận dùng bám chặt vào ruột tôm để ký sinh. Loại này thường xảy ra vào cuối năm khi thời tiết chuyển lạnh, gặp nhiều ở tôm sú nuôi mật độ thấp, không có ao lắng, ít xử lý nước. Do đó, các vật chủ trung gian như cá tạp, giun nhiều tơ, động vật thân mềm tồn tại nhiều trong ao và lây nhiễm cho tôm. Tôm có dấu hiệu ăn yếu hoặc nặng hơn là bỏ ăn. Đường ruột bị nhiễm nhiều ký sinh trùng, vị trí chúng bám bị trầy xước, hư hại, trở thành cửa ngõ xâm nhập của các loài vi khuẩn có hại (nhất là vibrio) làm viêm, sưng. Ruột bị kích thích, sẽ tiết ra nhiều chất nhầy, ít tiết dịch tiêu hóa làm thức ăn không được tiêu hóa và bị lên men thối trong đường ruột dẫn đến phân trắng. Khi mới khởi phát, các dãy phân trắng xuất hiện trong vó, rất dai và tanh hôi, số lượng ngày một nhiều hơn, gan tụy trở nên sưng to, mềm và dễ vỡ. Sau một thời gian, phân trắng xuất hiện dày đặc trong ao, đó cũng là lúc vibrio xâm nhập sâu vào các bộ phận khác của tôm và gây bệnh nặng hơn. Gan tụy chuyển sang teo dai, tôm bị ốp thân và sự tăng trưởng bị đứng hẳn lại.

Thứ hai là do nhiều yếu tố gộp lại làm sức đề kháng của tôm yếu nên vi khuẩn có cơ hội tấn công gây bệnh. Ngược lại với phân trắng do gregarine, bệnh này lại thường xuất hiện vào mùa nóng khi môi trường nuôi ô nhiễm cao, thức ăn thừa làm tích lũy hữu cơ quá nhiều. Trường hợp này sẽ phát triển giai đoạn bệnh nhanh hơn do ký sinh trùng. Nguyên nhân chính vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng có một điều chắc chắn là khi vi khuẩn vibrio phát triển mạnh trong đường ruột sẽ gây ra các hiện tượng tương tự như khi gregarine gây bệnh. Có điều mức độ dày đặc của phân trắng cao hơn rất nhiều, gan tụy trở nên teo nhỏ nhanh hơn, chết rải rác đến số lượng cao. Đặc biệt, trong trường hợp này, mẫu phân tích phân cho thấy có chứa thể vermiform, có hình dạng giống với ký sinh trùng gregarine nhưng không được cấu tạo từ 2 tế bào và bộ phận bám. Thể này được tạo ra do tế bào gan tụy bị bong tróc tách khỏi biểu mô, dính lại với nhau. Nếu phát hiện thể vermiform thì tôm thường phải thu hoạch ngay để càng lâu thiệt hại càng nhiều.


Các bước cần làm khi phát hiện tôm bị phân trắng

Với bệnh này nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Vì kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, không có tác dụng với ký sinh trùng. Điều trị bằng kháng sinh sẽ làm giảm mật độ vi khuẩn vibrio trong đường ruột, hạn chế được sự viêm sưng của gan tụy. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, do chất lượng nước xấu đi cộng thêm sức khỏe của tôm không còn như trước do vài lần đối kháng với vi khuẩn nên bệnh có nguy cơ trở lại rất cao. Thế nên quản lý môi trường, diệt khuẩn trong nước và chú ý đến sức đề kháng của tôm nuôi vẫn là những ưu tiên hàng đầu trong quá trình phòng trị bệnh.

Đầu tiên nên chú ý tới vấn đề thức ăn thừa, các chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Đó là chất dinh dưỡng của vi khuẩn để sinh sôi nảy nở. Việc cải tạo lại môi trường, loại bỏ chất thải hữu cơ là rất cần thiết, sử dụng men vi sinh Sivibac định kỳ với liều 100g cho 2000m3 nước sẽ giúp môi trường ổn định, hạn chế chất thải hữu cơ tồn tại lâu ngày trong ao. Bên cạnh đó, khí độc cũng là vấn đề đáng lo ngại cho tôm nuôi. Dùng ZEOramin với cấu trúc dạng túi rỗng, giúp tăng lượng oxy hòa tan trong nước và đồng thời hấp thu các khí độc như NH3, NO2, H2S một cách hiệu quả ở nước ngọt và nước lợ. Kết hợp với việc mở quạt nước với tốc độ cao nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy hữu cơ cũng như duy trì hàm lượng oxy hòa tan luôn ở mức cao.

Nguyên nhân cơ hội để gây ra bệnh này chính là vi khuẩn và tảo độc. Do đó, diệt khuẩn, cắt tảo là biện pháp đầu tiên được nghĩ tới khi thấy có sự xuất hiện của phân trắng. Thay nước khoảng 30-35% cũng là một cách làm giảm sự phát triển của tảo và vi khuẩn có hại trong ao. Kiểm soát mật độ vi khuẩn vibrio trong ao bằng cách luôn duy trì ở mức thấp các chất hữu cơ - nguồn dinh dưỡng của vi khuẩn, ổn định mật độ tảo, duy trì nhiệt độ trong ao và đánh men vi sinh. Đây là một cách giảm thiểu vi khuẩn một cách hiệu quả, vi khuẩn có lợi sẽ đối kháng làm vi khuẩn có hại yếu đi. Đối với ao bạt nên sử dụng men xử lý môi trường đáy ao Sivibac+với liều 100g cho 5000m3 nước khi thấy mức độ ô nhiễm cao.


Nếu tôm có sức đề kháng tốt thì việc chống lại sự gây hại của ký sinh trùng cũng như vi khuẩn là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên khi bệnh khởi phát, phải cắt cữ ăn trong 1-2 ngày do tôm sẽ bỏ ăn và cũng để giảm được phần nào sự ô nhiễm trong ao nuôi. Sau khi tôm ăn lại, cần cải thiện sức đề kháng của tôm, điều trị dứt điểm phân trắng bằng cách sử dụng kết hợp sản phẩm Nutric với thành phần là acid hữu cơ hỗ trợ tiêu hóa và tinh chất tỏi Licin garlic giúp kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, trị hiệu quả bệnh phân trắng. Liều dùng như sau: 3-5gr Nutric /kg thức ăn cho 2 cữ ăn/ngày và liên tục trong 3 ngày, tiếp theo cho ăn Licin garlic liên tục 7 ngày với liều 5ml/kg thức ăn mỗi cữ để loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng. Hoặc có thể thay thế Nutric bằng Biobactil trong 3 ngày đầu với liều 8-10gr/kg thức ăn.

Đặc biệt trong quá trình xử lý phân trắng, tránh việc khuấy đảo đáy ao, vì đáy ao yếm khí là nơi tập trung của các chất độc hại, khí H2S có thể bị khuếch tán khiến tôm ngộ độc. Thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng nước, cũng như theo dõi diễn biến của bệnh. Bệnh phân trắng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có thể trị được dứt điểm, tôm vẫn tiếp tục phát triển và đạt được năng suất cao.

Ngày 24 - 02 - 2020
Phòng kỹ thuật An Bình
Bạn có biết?

Sử dụng các acid amin tổng hợp để cân đối nhu cầu acid amin trên tôm sú không hiệu quả bằng phối hợp các nguyên liệu

bởi GS TS. Lê Thanh Hùng
Xem thêm
Bạn quan tâm đến nuôi thủy sản an toàn ? Gọi ngay để được tư vấn. call 09 1800 9102